Tuesday, May 25, 2021

Giá nguyên liệu làm Thức Ăn Chăn Nuôi tăng cao, người sản xuất gặp khó

Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu; tiếp đó là người nông dân.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên bắt đầu từ giữa năm 2020 và đến nay, giá nhiều loại ngũ cốc như: ngô, đậu tương... chưa đi xuống mà vẫn tiếp tục tăng.

Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu. Tiếp đến là những người nông dân, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nhanh gây khó khăn cho người nông dân.

Giá nhóm sản phẩm nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm; chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như biến đổi khí hậu làm mất mùa. Bên cạnh đó, một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu, chiếm từ 80-85% trong khi đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4/2021 tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020 và tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 8,79%. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tăng 5,09% và tính chung 4 tháng tăng 3,6%.

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, Tổng cục Thống kê khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh trình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao. Cùng với việc kết hợp dự trữ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu như: khô hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo, ruồi lính đen.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như: giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục nghiên cứu giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đối tượng khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một số nghiên cứu sơ bộ về nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và xác định việc tiếp tục hỗ trợ là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp; trong đó, tác động chủ yếu từ các biện pháp phòng, chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội... ảnh hưởng đến giao thương.

Theo TTXVN

No comments:

Post a Comment

Popular Posts