Sản phẩm tôm Việt đã thâm nhập gần như tất cả thị trường trên thế giới dù lớn hay nhỏ, tập trung các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Australia… Kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 3 tỷ USD, là 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Ở những thị trường tiêu thụ này, sản phẩm tôm Việt phải cạnh tranh với sản phẩm tương tự từ các cường quốc tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc… Yếu tố thuyết phục khách hàng, tăng sức cạnh tranh tôm có thể nêu ra. Trước tiên là sản phẩm sạch (an toàn); kế là sự thơm ngon, tiện lợi. Trong hoàn cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn, thu nhập người dân còn chút bấp bênh thì giá cả lại là một yếu tố không thể coi nhẹ. Trong khi tôm Việt lại “nổi tiếng” giá cao so các đối thủ!
Giá thành sản phẩm tôm bao gồm nhiều yếu tố. Trước tiên là giá cả nguyên liệu; kế tiếp là chi phí lao động. Tiếp theo là yếu tố khác như vật tư, năng lượng, chi phí logistic, khấu hao… Giá cả nguyên liệu tôm các doanh nghiệp chế biến đang mua vào luôn cao hơn giá tương đồng các cường quốc tôm khác từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Đây là một bất lợi ban đầu. Nguyên nhân khá phức tạp. Cơ bản là tỉ lệ thu hồi trong tôm nuôi của ta thấp so các nước. Nếu giá mua của các doanh nghiệp tôm chỉ ngang ngửa các nước sẽ dẫn đến người nuôi không lãi, sẽ không thả nuôi. Lúc đó, các doanh nghiệp chế biến sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng, dẫn đến các hệ lụy khác. Việc làm sao làm tăng tỉ lệ thu hồi trong nuôi tôm không phân tích ở đây. Chỉ xem xét các yếu tố còn lại có tỉ lệ cao trong giá thành, đáng kể là chi phí lao động. Chi phí lao động phụ thuộc vào:
– Khả năng tổ chức sản xuất: Nếu dây chuyền chế biến hợp lý sẽ làm tăng năng suất, giảm chi phí.
– Yếu tố nhận thức, ý thức kỷ luật người lao động: Nếu người lao động có ý thức tốt sẽ làm giảm phế phẩm, tăng năng suất lao động.
– Khả năng cơ giới hóa, tự động hóa trong dây chuyền chế biến: Nếu doanh nghiệp trang bị được nhiều thiết bị, máy móc trên dây chuyền sẽ giảm nhẹ cường độ lao động cho người lao động và đẩy nhanh năng suất chung.
– Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chế biến để thu hút lao động: Các doanh nghiệp tập trung trong các khu công nghiệp phải thù lao lao động cao hơn các doanh nghiệp đặt ở địa bàn xa, ít cạnh tranh lao động.
Thực tế cho thấy ngoài hai yếu tố lớn nhất nêu trên, còn các yếu tố khác có thể nêu ra là:
– Chi phí vật tư, còn bất lợi là một số nhà nhập khẩu tôm Việt buộc các doanh nghiệp chế biến ta phải nhập khẩu bột cho chế biến tôm bột từ Thái Lan. Dẫn đến lệ thuộc thời gian và chi phí cao hơn. Trong khi trong nước ta khả năng cung ứng này trong tầm tay.
– Nếu xây nhà xưởng, văn phòng tìm sự hoành tráng sẽ dẫn đến chi phí khấu hao tăng, thậm chí gấp đôi.
– Chi phí logistics của ta còn cao so thế giới.
– Vẫn có một số doanh nghiệp chế biến tôm không mua bảo hiểm đầy đủ cho người lao động hoặc cố tình sử dụng lao động trả thù lao ngày nhằm giảm chi phí. Đây là giải pháp cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại quyền lợi người lao động về lâu dài.
Trong thực tế, các doanh nghiệp chế biến tôm biến động vô chừng. Có doanh nghiệp hình thành mới nhưng không ít doanh nghiệp đóng cửa. Số doanh nghiệp đóng cửa không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, còn có doanh nghiệp lớn. Từ đó, đã dẫn đến sự đánh giá, các doanh nghiệp đóng cửa không đơn thuần lý do tài chánh, bởi có không ít doanh nghiệp có khả năng vay ngàn tỷ vẫn rơi vào khó khăn. Yếu tố cơ bản là năng lực quản trị. Các doanh nghiệp đóng cửa do năng lực quản trị không tốt. Năng lực quản trị phụ thuộc rất lớn vào khả năng của nhà quản trị cấp cao. Nếu có nhà quản trị cấp cao tốt, có tầm nhìn sẽ biết tổ chức sản xuất hợp lý, biết tính toán hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư và nhất là trong lĩnh vực kinh doanh biết tiến thoái kịp thời.
Tóm lại để giảm giá thành
sản phẩm tôm Việt, tăng sức cạnh tranh trên thương trường thế giới, có nhiều yếu tố nêu ra theo tầm mức quan trọng:
+ Doanh nghiệp phải có nhà quản trị cấp cao có năng lực tốt.
+ Phải nỗ lực giảm giá thành tôm nuôi. Nội dung này phân tích ở bài khác.
+ Phải nỗ lực hợp lý hóa dây chuyền chế biến. Trong đó chú trọng cơ giới hóa, tự động hóa những khâu, việc nào có thể. Hiện nay các thiết bị, máy móc trong ngành chế biến được cải tiến liên tục như thiết bị cấp đông siêu tốc; thiết bị phân cỡ tự động, thiết bị duỗi tôm… Tất cả nhằm làm giảm nhẹ cường độ cho người lao động. Ý nghĩa không chỉ ở làm tăng năng suất lao động mà còn thu hút lao động. Bởi đây là ngành lao động nặng nhọc không hấp dẫn người lao động thời gian qua. Trung Quốc có doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng dây chuyền chế biến tôm sử dụng nhiều robot mà ta chưa có.
+ Phải đưa hoạt động chung của doanh nghiệp theo chuẩn mực quản trị nhằm kiểm soát tốt nhất các chi phí diễn ra hàng ngày, dẫn đến loại trừ các chi phí bất hợp lý, giảm giá thành. Thí dụ
chuẩn ERP có một số doanh nghiệp đã thực hiện.
+ Coi trọng công tác đào tạo kiến thức cơ bản cũng như tuyên truyền ý thức kỷ luật cho người lao động. Việc người lao động ý thức, chấp nhận làm việc theo nhóm cũng góp phần làm giảm thời gian lãng phí, giảm phế phẩm, làm tác động giảm giá thành. Doanh nghiệp các nước khác đã làm tốt khâu này. Thí dụ, nếu làm việc theo nhóm, một tổ lặt đầu tôm 30 người sẽ cân sản lượng tính thù lao chỉ một lần thay vì 30 lần nếu thù lao theo cá nhân. Tương tự cho các khâu khác trong dây chuyền chế biến.
Tóm lại, ngành chế biến tôm ta có thế mạnh là trình độ chế biến cao của thế giới, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những yếu tố bất lợi không nhỏ, như giá thành tôm nuôi còn cao. Sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, khiến việc coi trọng từng yếu tố để ít nhiều giảm giá thành càng trở nên quan trọng hơn. Nếu ý thức được, nhà quản trị cấp cao phải hoàn thiện hơn năng lực, bản lĩnh của mình nhằm tìm ra những khâu, việc nào có thể còn làm tốt hơn trong dây chuyền chế biến. Sự chung tay sẽ góp phần nâng tầm tôm Việt. Tôm Việt sẽ khẳng định vị thế và từng bước phát triển, đáp ứng kỳ vọng đang diễn ra.
TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP