Thursday, December 23, 2021

Giá Tôm cuối vụ ở miền Tây tăng cao

Gần kết thúc vụ tôm năm 2021, giá tôm sú và thẻ chân trắng ở miền Tây vẫn duy trì ở mức cao. Tôm kích cỡ 20 con/kg tăng khoảng 10.000 đồng.

Hiện, nông dân các tỉnh miền Tây đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tôm cuối năm để cải tạo ao, chuẩn bị cho vụ tôm 2022. Do diện tích tôm đang thu hoạch trên đồng ít, giá loại thủy sản này tăng từng ngày.

Ông Lưu Trường Giang - đại diện Công ty T,P., huyện Trần Đề (Sóc Trăng) - cho biết đơn vị vừa cho công nhân kéo 6 ao tôm thẻ của nông dân huyện Trần Đề và Cù Lao Dung được 30 tấn, kích cỡ 60-100 con/kg.

Nông dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thu hoạch tôm thẻ. Ảnh: Lưu Giang.

Theo ông Giang, với loại 60 con/kg con giá 131.000 đồng, 100 con/kg giá 106.000 đồng, bình quân mỗi ao nông dân lãi 250-300 triệu đồng.

Tôm thẻ giá cao nhất có kích cỡ 20 con/kg. Một tháng trước, tôm 20 con/kg giá 240.000 đồng, hiện tăng lên 250.000 đồng. Loại 25 con/kg bình ổn ở mức 190.000 đồng, 30 con/kg giá 172.000 đồng, 40 con/kg giá 153.000 đồng, 90 con/kg giá 115.000 đồng.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản của toàn tỉnh cơ bản ổn định, ngành kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh nên mức thiệt hại thấp hơn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn còn khó khăn là mặt bằng giá tôm thương phẩm có xu hướng giảm, nhất là giá tôm thu mua tại ao của người nuôi giảm sâu trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16. Trong khi đó, giá thức ăn tôm, xăng dầu và các chi phí khác đều tăng.

Theo kế hoạch năm 2022, diện tích nuôi tôm của Sóc Trăng là 51.030 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 13.000 ha, tôm thẻ chân trắng 38.000 ha và tôm càng xanh 30 ha. Sản lượng tôm của tỉnh trong năm 2022 ước tính đạt 202.000 tấn (sú 25.000 tấn, thẻ chân trắng 171.000 tấn, càng xanh 6 tấn).

“Giá tôm thẻ và sú đang ổn định ở mức cao”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng nói.

Tại Bạc Liêu, giá tôm thẻ cũng tăng cao và không chênh lệch nhiều so với tôm sú. Thương nhân Lê Văn Dũng ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết ông mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 250.000 đồng, loại 30 con/kg giá 190.000 đồng.

Ông Đỗ Ngọc Tài - Giám đốc Công ty N.T. (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) - cho biết doanh nghiệp đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu và thiếu công nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công nhân kéo tôm ở miền Tây. Ảnh: Lưu Giang.

Hiện, Công ty N.T. và các doanh nghiệp do ông Tài quản lý tại Sóc Trăng và Bạc Liêu đều gặp cảnh tương tự trong khi nhu cầu tôm xuất khẩu những ngày cuối năm đang tăng cao.

“Chúng tôi thiếu nguyên liệu vì vài tháng trước nông dân không thả giống được vì thực hiện Chỉ thị 16. Đến tháng 10 và 11, các tỉnh nới lỏng giãn cách nhưng thời tiết xấu nên bà con cũng khó nuôi tôm", ông Tài nói.

"Số lượng công nhân có lúc giảm còn 20-25% và hiện được khoảng 40-45%. Tình trạng thiếu công nhân xảy ra vì nhiều người nhiễm Covid-19, phần thì gia đình không cho đi, còn lại là thì F1 phải cách ly”, ông Tài giải thích.

Theo chủ doanh nghiệp gắn bó 40 năm với ngành thủy sản, chưa bao giờ chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay. Ngoài chi phí xét nghiệm nCoV cho công nhân, doanh nghiệp tôm đối mặt thêm nhiều áp lực vì chi phí bao bì, vật tư, hóa chất, cước tàu đều tăng.

“Giá thành sản xuất tăng thêm khoảng 20% nhưng chúng tôi không thể tăng giá tôm xuất khẩu vì hợp đồng đã ký từ nhiều tháng trước. Ba tháng nay nhiều doanh nghiệp tôm bị lỗ vốn nhưng cũng đang lên kế hoạch thưởng một tháng lương cho công nhân vào dịp Tết Nguyên đán”, chủ một doanh nghiệp ở Cà Mau chia sẻ.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts