Wednesday, November 30, 2022

Tây Ninh: Nuôi Lươn sinh sản thành công!

Anh Hồ Văn Tây, ngụ xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng vừa nghiên cứu và áp dụng thành công mô hình nuôi lươn sinh sản. Trang trại của anh bắt đầu cung cấp lươn giống cho một số người dân các tỉnh miền Tây.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông, anh Tây nhận thấy điều kiện đất đai rộng rãi của gia đình phù hợp với việc phát triển nghề nuôi lươn. Loài thuỷ sản này được thị trường tiêu thụ mạnh và có giá bán khá cao. Năm 2019, anh Tây đầu tư một trang trại nuôi lươn theo quy trình khép kín. Trong đó, đầu tư 1,5 tỷ đồng xây chuồng trại, bể nước và 1 tỷ đồng để mua lươn giống từ các tỉnh miền Tây đem về nuôi. Để không bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp lươn giống, anh Tây nghiên cứu và áp dụng nuôi lươn theo quy trình khép kín.


Ban đầu, anh xây dựng trang trại nuôi lươn trên phần đất nông nghiệp của gia đình (ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ) với diện tích hơn 2 ha. Trong đó, anh lắp đặt 80 bể nuôi lươn lót bạt ni-lông trong khung sắt. Trong mỗi bể, anh chứa nước và đất bùn, thả nuôi khoảng 10 cặp lươn giống. Hằng ngày, anh cho ăn, thay nước thường xuyên. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, những lứa đầu lươn đều bị chết.

Anh Tây chia sẻ: “Sau lần thất bại đầu tiên, cha mẹ tôi ngăn cản, không cho nuôi lươn nữa. Nhiều người trong xóm xì xào, nói tôi làm chuyện điên điên. Nhưng tôi suy nghĩ, ở miền Tây đã có người nuôi lươn sinh sản thành công, vì sao người ta làm được mình làm không được? Thôi đành phóng lao phải theo lao. Vả lại, bây giờ cơ sở vật chất đã đầu tư xây dựng rồi, nếu không tiếp tục nuôi lươn thì không thể gỡ vốn được”.

Nghĩ thế, anh Tây khăn gói về miền Tây tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm của những người làm nghề nuôi lươn thành đạt. Đồng thời, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu qua mạng in ternet. Sau khi “xốc” lại tinh thần, anh dốc hết tiền cải tạo lại trang trại, mua lươn giống về nuôi thêm lần nữa. May mắn, đợt thứ 2, lươn sinh trưởng tốt. Đến lứa, lươn giống bắt đầu đẻ trứng. Trung bình mỗi tuần thu hoạch được từ 7 - 8 ổ trứng/bể, mỗi ổ có từ 30 - 100 trứng và tỷ lệ trứng nở khá cao. Tuy nhiên, niềm vui chưa bao lâu, anh tiếp tục đương đầu với thách thức mới. Mặc dù chăm nuôi rất kỹ, nhưng hàng ngàn lươn con bị “chai”, nuôi mãi không chịu lớn và cuối cùng chúng chết hàng loạt. Thời điểm đó, anh Tây nhiều lần thức trắng đêm suy nghĩ thật kỹ lại toàn bộ quy trình nuôi lươn của mình xem bị sai sót chỗ nào mà dẫn đến kết quả như vậy? Mặt khác, anh đem lươn con đi nuôi thử nghiệm ở nhiều địa điểm khác với nhiều nguồn nước, nguồn thức ăn khác nhau. Cuối cùng, nông dân trẻ này tìm ra nguyên nhân đàn lươn con không phát triển là do nguồn nước ở trang trại không phù hợp với lươn con, chỉ phù hợp với lươn bố mẹ. Trong khi đó, nguồn nước ở ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu cách trang trại của anh cả chục ki-lô-mét lại phù hợp với điều kiện sinh trưởng của đàn lươn mới chào đời. Thế là anh cải tạo một garage ô tô của người bạn, đầu tư xây dựng hệ thống nước lọc dùng làm nơi chuyên ấp trứng và nuôi lươn con.

Sau gần 2 năm mày mò với nghề, những nỗ lực của anh Tây được đền đáp. Kết quả, các tổ trứng lươn nở khá đều, đàn lươn con sinh trưởng tốt, tỷ lệ lươn trưởng thành đạt khoảng 60%. Sự thành công bước đầu này đã khích lệ tinh thần chủ trang trại. Tuy nhiên, tỷ lệ lươn con trưởng thành như thế vẫn còn quá thấp. Anh Tây tiếp tục dành nhiều thời gian quan sát để hiểu thêm về tập tính, môi trường sinh sống, thức ăn yêu thích của lươn con. “Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy loài lươn thích sống trong môi trường có ánh sáng yếu, không gian yên tĩnh. Nếu có nhiều tiếng ồn, lươn sẽ bị stress và bỏ ăn” - anh Tây chia sẻ. Trên cơ sở đó, anh Tây xây dựng phòng cách âm cho nơi nuôi dưỡng lươn con. Từ đó tỷ lệ lươn con phát triển đạt đến 80%.

Sau công đoạn nuôi lươn con thành công, anh Tây xây dựng thêm trang trại mới, ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, chuyên dùng để nuôi lươn con đến lúc trưởng thành. Trong trại có 20 bể xi măng, mỗi bể có chiều ngang 4m, dài 6m, cao 1m. Bên trong bể lát gạch trơn láng, màu sẫm, có giá thể bằng dây ni-lông đen, cho lươn ẩn náu. Các bể có hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống xả nước và có mái che kiên cố. Bên cạnh đó, anh Tây đào một ao khá lớn, trong ao nuôi nhiều loại cá da trơn để ăn thức ăn dư thừa của lươn. Thời điểm chúng tôi đến tham quan, trong mỗi bể đang nuôi khoảng 3.000 con lươn thương phẩm sắp đến ngày bán ra thị trường. Ước tính khi thu hoạch, đạt khoảng 400kg/bể. Với giá lươn thị trường hiện nay dao động từ 150-180 ngàn đồng/kg sẽ đem lại cho chủ trang trại một nguồn thu đáng kể. “Từ khi nuôi lươn con tới lúc thu hoạch, thời gian khoảng 10 tháng, chi phí đầu tư khoảng 70 ngàn đồng/kg lươn, trừ các khoản chi phí, người nuôi một lời một” - anh Tây chia sẻ.

Theo anh Tây, nuôi lươn sinh sản đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó và vốn đầu tư nhiều, trong khi nuôi lươn thương phẩm không tốn nhiều vốn, cũng ít tốn công chăm sóc. Anh Tây chia sẻ: “Mỗi ngày chỉ cần cho chúng ăn 2 lần, mỗi lần, một con lươn ăn chỉ vài ba viên cám thức ăn công nghiệp, lươn ăn không nhiều như các loại cá. Sau khi ăn, chỉ cần thay nước cho sạch sẽ là được”. Anh Tây đang xây dựng thêm một số bể nuôi lươn thương phẩm để mở rộng quy mô sản xuất. Anh Tây cho hay, trung bình mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường khoảng 200 ngàn lươn con. Riêng đối với người dân Tây Ninh, mô hình nuôi lươn còn khá mới mẻ nên chưa có nhiều người dám đầu tư. Thời gian gần đây, có một số người dân địa phương đến tham quan mô hình nuôi lươn, trong đó, mới chỉ có người xây dựng chuồng trại, sắp tới sẽ mua một số lươn con giống về nuôi thử.

Ngoài việc nuôi lươn, những năm trước đây, người thanh niên miền sông nước Phước Chỉ này còn được nhiều người dân địa phương biết đến đã nuôi thành công loại cá chép giòn. Hiện tại, anh Tây nuôi thử nghiệm loại cá hô đất trong ao.

Anh Tây hiện là giám đốc điều hành một công ty may mặc ở Khu công nghiệp và chế xuất Linh Trung III (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) và tham gia hoạt động kinh doanh một số lĩnh vực khác. Mặc dù có thuê mướn một số nhân công phụ trách trang trại nuôi lươn, nhưng hằng ngày, sau khi tan việc ở công ty, anh đều dành thời gian cho đàn lươn ăn và theo dõi sự tăng trưởng của chúng. “Tôi đã xác định làm kinh tế nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện gia đình và phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp xanh của tỉnh” - anh Tây nói.

Với sự thành công của mô hình nuôi lươn khép kín, có thể nói, anh Hồ Văn Tây là người tiên phong trong việc gây dựng nghề mới cho nông nghiệp xanh Tây Ninh. Hy vọng từ mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts