Tuesday, May 4, 2021

Sau 2 năm, Xuất Khẩu Cá Tra tăng mạnh trở lại!

Theo thống kế, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Mexico, UAE  đều tăng mạnh từ 15- 35%; đặc biệt sang Nga tăng 104%...

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm liên tục trong hai năm 2019, 2020, xuất khẩu cá tra đã bật tăng trở lại trong tháng 3/2021 và sang tháng 4/2021 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, cho thấy xuất khẩu cá tra đang dần hồi phục.

Tín hiệu tốt sau hai năm chững lại

Cụ thể, xuất khẩu cá tra tháng 2/2021 chỉ đạt 38,4 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD, giảm 29,3% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt 101,5 nghìn tấn, trị giá 201,3 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Sang đầu tháng 3/2021, xuất khẩu cá tra đã dần hồi phục trở lại khi đạt 137 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 lên 336 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra đạt 142 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng 3/2020 và tăng 3,6% so với tháng 3/2021.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang dần tăng mạnh trở lại.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 16%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 10,3%; Brazil tăng 17%; Colombia tăng 33,4%; Mexico tăng 22,7%; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 35% và Nga có mức tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 104%.

Với kết quả trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng đây là tín hiệu tốt sau 2 năm giá trị xuất khẩu sang một số thị trường chậm hoặc sụt giảm mạnh. “Nếu xu hướng tăng trưởng này tiếp tục giữ vững, lượng hàng tồn tại Mỹ và Trung Quốc hầu như đã hết, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong các tháng tới sẽ có nhiều lạc quan”, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định.

Về giá cá tra nguyên liệu, hiện đang dao động từ 21.000 – 22.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu tăng là do thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều tín hiệu khởi sắc, cá tra của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang 134 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với đó, hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt, cơ cấu sản phẩm đã thay đổi, tăng số lượng sản phẩm giá trị gia tăng như: sản xuất các sản phẩm chả giò, bọc bột, ốp rau củ, cá viên, cá cắt khúc... Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng cá tra thu hoạch quý 1/2021 ước đạt 321,8 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 47% sản lượng cá nuôi trồng và chiếm 34,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh tại Châu Âu

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng cao và “đòn bẩy” là các hiệp định thương mại tự do, ngành cá tra kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong quý 2/2021.

Đáng chú ý, tình hình tại thị trường Trung Quốc đã có xu hướng cải thiện hơn từ giữa tháng 3/2021 đến nay. Dự báo, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tháng 5/2021 và những tháng tới sẽ hồi phục mạnh hơn, khi nước này dần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển và nới lỏng các thủ tục kiểm soát Covid-19 đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là thủy sản đông lạnh.

Thời gian tới, xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều lợi thế mở rộng tại thị trường châu Âu từ việc hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020. Theo đó, châu Âu sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngach xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

Tín hiệu vui cho xuất khẩu cá tra là hiện nay Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh đáng kể tại thị trường châu Âu. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hầu hết các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đều có xuất xứ từ Việt Nam. Các nhà cung cấp Việt Nam và các nhà nhập khẩu Châu Âu đã xây dựng được mối quan hệ bền vững và lâu dài với nhau. Do đó Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Bangladesh và Trung Quốc là những quốc gia khác xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Liên minh châu Âu, nhưng với khối lượng không đáng kể so với Việt Nam.

Hiện tại ở Vương quốc Anh, các nhà thương mại thủy sản đang có chiến dịch thiết lập philê cá tra như một lựa chọn cá thịt trắng cao cấp (thay vì một lựa chọn giảm giá) đã đặc biệt hiệu quả. Giá bán lẻ cho 1 kg cá tra philê đông lạnh tại châu Âu phổ biến là 5,38 Euro, bao gồm 9% thuế giá trị gia tăng.

Nếu không bao gồm thuế giá trị gia tăng thì giá bán lẻ sẽ là 4,94 Euro/kg. Tỷ suất lợi nhuận cho nhà bán lẻ lên tới khoảng 45-55% đã thu hút nhiều siêu thị, thương nhân ở châu Âu đưa sản phẩm cá tra vào bán. Đối với nhà nhập khẩu, tỷ suất lợi nhuận cá tra khoảng 10-15%.

Tuy nhiều thuận lợi, nhưng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cá tra sang châu Âu phải đảm bảo các sản phẩm được xử lý và dán nhãn chính xác và tuân theo tất cả các yêu cầu bắt buộc của thị trường này, nếu không chúng có thể bị từ chối tại biên giới hoặc không bán được.

Thủy sản dành cho thị trường châu Âu thường được kiểm tra trước khi vận chuyển, đôi khi trong phòng thí nghiệm của chính người mua, hoặc trong các phòng thí nghiệm được công nhận (độc lập). Các quy tắc của Liên minh Châu Âu về vệ sinh thực phẩm bao trùm tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối và đưa ra thị trường đối với tất cả thực phẩm dùng cho người.

Các sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ sẽ bị báo cáo trong Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Nếu doanh nghiệp nào nằm trong danh sách đó, các container hàng của công ty sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng tại cảng nhập. Việc kiểm soát này có thể mất từ 2 đến 3 tuần sau khi đến cảng. Mọi chi phí phát sinh, doanh nghiệp sẽ phải trả với tư cách là nhà xuất khẩu.

Nguồn: VnEconomy

No comments:

Post a Comment

Popular Posts